MÂM CỖ TRUNG THU (Cỗ trông trăng):

Ngày Tết Trung Thu, người ta thường bày cỗ với nhiều món trái cây tươi và các loại bánh đặc trưng, nhưng theo quan niệm dân gian Việt Nam, cho dù muốn bày biện loại trái cây gì thì cũng nên có quả xanh, quả chín. Bởi trái màu xanh mang tính âm, trái chín mang tính dương, tượng trưng cho luật cân bằng âm dương của vũ trụ. Với người xưa, Trung Thu là dịp cả nhà sum vầy thưởng trăng, “phá” cổ. Đây cũng là thời điểm dự báo cho vụ mùa sắp tới, nên mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ tổ tiên luôn đậm hương sắc mùa thu chín, như là tấm lòng con cháu cầu sự may mắn và thịnh vượng cho mùa sau.


Còn mâm cỗ Trung Thu (còn gọi là cỗ trông trăng) thường được xếp các hình thú vật, thông thường nhất là một con chó được xếp bằng tép bưởi, gắn 2 hạt đậu đen làm mắt; hình bầy heo con múp míp vây quanh bên heo mẹ; hình cá chép từ hình dạng mấy loại bánh chay, bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm… Chung quanh bày nhiều loại hoa quả. Một mâm cỗ Trung thu đầy đủ luôn gồm cả bưởi xanh phớt vàng, mãng cầu xanh màu men sứ, hồng đỏ bóng, hồng ngâm xanh, mía tím, chuối tiêu vàng chen lẫn ổi, cam, dưa hấu và các thứ hoa trái khác tùy sáng kiến, sở thích và điều kiện tiền bạc từng nhà… Người ta gởi gắm trong mâm cỗ đó sự mong cầu tượng trưng qua từng loại trái.

Trước đây, thời trẻ con còn thịnh hành chơi đồ chơi bằng giấy và “con giống”, chính giữa, trên chổ cao nhất của mâm cổ trông trăng thường nghễu nghện một ông “Tiến Sỹ Giấy” lung lay trước gió. Và phải kể một thứ thức ăn không thể thiếu vào dịp Trung Thu xưa tại miền Bắc Việt Nam mà ngày nay những ai xa quê cũng đành cho đó là món hàng “quý hiếm”: Loại cốm dẻo thơm ngon được làm từ mầm lúa mới, và ngon nhất, nỗi tiếng nhất phải là “cốm làng Vòng”.


Khi trăng lên tới đỉnh đầu là lúc trẻ em đi rước đèn Trung Thu trở về, cả nhà quân quần hạ mâm cổ xuống, cùng thưởng thức hương vị Tết Trung Thu, giây phút ấy gọi là “phá cỗ”. Lúc bấy giờ, những hạt bưởi trước đó vài tuần đã chuẩn bị sẵn, bóc lớp vỏ áo rồi xâu vào các sợi dây thép (dây kẽm, dây chì) đem phơi khô, giờ được đám trẻ đem ra đốt cháy lên, tuy không sáng là bao nhưng mùi thơm sực nức cả nhà. Niềm vui đêm Trung Thu thời bấy giờ chỉ bình dị như vậy mà sao ngọt ngào đến vậy…
Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét