MÚA LÂN TẾT TRUNG THU


Trung Thu có nhiều trò vui cho trẻ em nhưng vui nhộn và hấp dẫn nhất vẫn là múa lân (hay múa sư tử). Đây là sinh hoạt nhộn nhịp mà ở đâu chúng ta cũng bắt gặp trong dịp Tết Trung Thu và Tết Nguyên Đán.


Lân là một trong Tứ Linh (bốn con vật quý) Long (rồng); Lân (kỳ lân); Quy (rùa); Phụng (chim phượng hoàng). Tuy tôi và các bạn chưa hề được thấy con kỳ lân thật “mặt mũi” ra sao, nhưng người ta còn phân biệt kỳ lân làm 2 giống với KỲ là con đực và LÂN là con cái(?). theo mô tả, đầu lân có một cái sừng rất to và trông thoáng qua hơi giống đầu sư tử nên trước đây miền Bắc Việt Nam chúng ta gọi là múa sư tử. Thật ra múa sư tử thì người múa đội chiếc đầu sư tử và cũng có dải vải làm thân và đuôi sư tử (ngắn, dài tùy ý) như múa lân.


Đám múa lân, phần chính là “con” lân, có một người đội (thật ra là phải cầm bằng hai tay) chiếc đầu lân thật to bằng giấy bồi, màu sắc sặc sỡ rất đẹp. Thân và đuôi lân là một dải vải nhiều màu sắc, rộng và khá dài do những người khác chia nhau cầm giữ từng khúc che trên đầu và phần lưng (người cầm) để múa theo đầu lân theo nhịp trống và thanh la, não bạt (chập cheng). Nhân vật phụ trợ nhưng quan trong không kém là “ông Địa” do một người đeo mặt nạ hóa trang. Chiếc mặt nạ ông Địa nếu thật sự ấn tượng thì cũng là một tác phẩm nghệ thuật như cái đầu lân. Với cái đầu tròn và bóng loáng, ông Địa có khuôn mặt tròn xoe như mặt trăng cười toe toét với các chi tiết vẽ mắt, mũi, tai, miệng rất hoạt kê, cái bụng phệ rất bự dấu trong tà áo dài thắt dây lưng ngoài, tay không ngừng phe phẩy hoặc vẫy chiếc quạt cũng quá khổ luôn lăng xăng trêu đùa, làm những động tác ngộ nghỉnh, hài hước. Đây là nhân vật mà các em nhỏ vừa thích thú – có khi còn thích hơn xem lân múa – chạy theo trêu chọc nhưng cũng vừa e dè, sợ sệt. Hiện nay, nhiều đám múa lân còn tăng cường thêm những nhân vật hóa trang theo các tích truyện nổi tiếng, đa số là các nhân vật Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng trong Tây Du Ký. Một thành phần nữa trong đám múa lân là những người đi theo lân để đánh trống, thanh la, não bạt… Những người này có thể cũng cải trang, cầm cờ xí nhiều màu, cầm đao, côn, kiếm… hoặc hoàn toàn không hóa trang.


Múa lân cho đến nay đã trở thành một loại hình sinh hoạt dân gian nghệ thuật khéo léo, đòi người múa có kỷ năng cao. Trong tiếng trống thì thùng, tiếng não bạt chập cheng, trước đây khi chưa bị cấm, còn có tiếng pháo đì đùng của các nhà đón lân vào múa và đì đẹt tiếng pháo tiểu của trẻ con đi theo đám múa thỉnh thoảng đốt chơi, hòa quyện với tiếng nói cười rộn rã của đám đông kéo theo… Đám múa lân qua đến đâu là huyên náo cả một vùng, tạo nên một không khí vô cùng hào hứng, phấn chấn. Lân qua nhà nào có ý định đón vào múa, chủ nhà đã gói sẵn tiền, cột treo ở một nơi cao và khó lấy nhất. Lân dừng lại, vào nhà làm các “thủ tục” vái lạy từ đường, chào gia đình theo hiệu trống và biểu diễn màn múa ngoạn mục trước khi tìm cách trèo lên cao lấy tiền thưởng. Những người trong đám múa lân lúc này sẽ khéo léo đứng chồng lên nhau, tạo thành chiếc thang người, lân vừa múa vừa leo lên cao dần “táp” lấy tiền thưởng rồi xuống múa lạy tạ chủ nhà lần chót trước khi tạm biệt đi ra cổng qua nhà khác…

Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét